Tuesday, 24 February 2015

Một Ngày Nào Đó, Anh Sẽ Hiểu





Truyện ngắn
MỘT NGÀY NÀO ĐÓ, ANH SẼ HIỂU
Tác giả NGUYỄN TRUNG DŨNG

Bà ra nhà ga thành phố trước vài giờ có chuyến tầu khởi hành đi San Francisco. Buổi chiều ở San Jose, đúng lúc bầu trời đang chuyển mưa, nếu thực sự có mưa, cơn mưa chắc sẽ lớn. Đứng ở chỗ đợi tầu, bà đã nhận ra trong mỗi cơn gió thổi tới, nó ngậm hơi lạnh của nước mà qua giác quan, bà cảm thấy chính xác nó là vậy. Dù gì đi nữa, những tảng mây đen kết thành khối trên bầu trời ở phía xa, nếu những đám mây kết tụ đó đùn về hướng nhà ga để mưa đổ xuống, thì chắc ở vùng này, mưa cũng còn lâu mới có thể tới được. Đùn lên nom khá nặng nề và chậm chạp, loang ra  trên bầu trời một cách vất vả, những tảng mây như những tảng đá đen không ảnh hưởng bởi sức đẩy của những cơn gió, chúng thực sự di chuyển mà tưởng như không hề xê dịch. 

Dù ở xa cái vùng đang bị đe dọa dưới lớp mây mưa, mây nhìn như tấm vải đen màu hắc ín, đang căng ra và đang phủ xuống, bà cũng biết phố xá ở vùng sắp có mưa sẽ tối hơn lúc bình thường. Vào giờ này, không có mưa vào buổi chiều đã thấy buồn. Vào giờ này, khi mặt trời vừa lặn, khi bóng tối vừa nhá nhem, mưa đổ xuống, nhìn cảnh vật ở khu phố nơi bà cư ngụ, bà thấy không làm sao vui được. Cây cối đứng ủ rũ. Nhà cửa nằm lặng lẽ dưới những hạt mưa. Đường phố không một bóng người. Chỉ thỉnh thoảng xe cộ chạy qua, bánh cuốn theo những hạt nước lõng bõng ở mặt con lộ. Còn bây giờ, ở sân ga đứng đợi tầu, ngoại cảnh đang chi phối đầu óc bà, trong nội tâm, nỗi buồn trước lúc rời nhà ra sân ga, bà cũng đang trong tâm trạng ủ ê buồn bã. Chỉ có mình bà mới biết bà đang sầu não, lòng dạ héo hon, còn người ngoài, chẳng có ai thấu hiểu bà đang cay đắng chua sót về chuyện gì. Đúng lúc đầu óc bà thả trôi vào những điều suy tư như thế, từ đằng xa, một tiếng còi vọng về báo hiệu con tầu đã đến. Đầu máy lù lù chạy trên đường ray, rồi dẫy toa dài như thân một con trăn khổng lồ, trong tiếng động của sắt thép khua dội, đoàn tầu trườn mình chạy đến nhà ga, rồi đỗ lại.

Đã lên tầu và đã chọn cho mình một chỗ ngồi, bà lặng lẽ đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Vào lúc này, bà thấy những tảng mây đen trước đây còn ở rất xa, nay chúng đã tiến gần đến khu vực nhà ga, nhanh chóng xâm chiếm bầu trời, như vậy là mưa sẽ đổ.

Dẫy ghế trong toa xe phần lớn không có hành khách ngồi. Ngoài bà ra, bà chỉ thấy có bốn chỗ là có người. Vì đã nhá nhem tối, trên trần toa tầu, những ngọn đèn đã được bật.

Sau khi dẫy toa rùng mình chuyển động, những cái bánh dưới sàn xe bắt đầu lịch kịch lăn, bà biết là đã tới giờ tầu khởi hành. Lướt đi trong bóng tối, qua những nơi có đèn sáng, mắt không thể nhận ra hình thù của cảnh vật ở bên ngoài, nhưng bà biết đấy là phố xá ở những nơi tầu qua.

Với nhịp đong đưa nhè nhẹ của con tầu, tư tưởng không kiểm soát được, bà để ý nghĩ tự nó điều khiển bản thân. Đấy là lúc bà nghĩ đến những chuyện xẩy ra trong gia đình.


Gần suốt nửa tháng nay, bà phải ngậm đắng nuốt cay về chuyện chồng bà hiểu lầm bà, từ đó, những bữa ăn không còn đầm ấm như trước nữa, và từ đó, những câu chuyện không còn vui vẻ cởi mở như xưa, và cũng từ đó, không khí trong gia đình buồn tẻ, lạnh lẽo giữa chồng và bà. Ngồi theo dòng hồi tưởng mang đi, để mỗi lần nhớ lại, nước mắt bà lại tự động ứa ra. Câu chuyện mới chỉ xẩy ra cách đây chưa đầy hai tuần.

Khoảng cách thời gian của hiện tại và quá khứ chưa thể được coi là dài, thì những diễn biến của buổi chiều hôm đó, bà nhớ như in trong óc. Trước khi rời khỏi nhà để đến nhà ông bà bạn dự lễ sinh nhật, bà và chồng còn vui vẻ chuyện trò trao đổi để dặn dò qua lại như thường lệ. Như là:
 “Ông nhớ nói với ông bà Phát là tôi có lời cáo lỗi không đến dự được nhé. Ông bà ấy có lòng mời mà mình không tới được cũng thật tình áy náy trong lòng”.
“Bà chẳng cần bận tâm nhiều về điều đó. Kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng ông Phát nếu đến được thì nhất, còn không đến được, cũng chẳng ai phiền trách mình gì đâu”.
“Biết vậy. Chỗ gia đình mình và gia đình ông bà Phát là chỗ quá thân tình, mình không có mặt người ta cũng không được vui”.
“Thì một mình tôi đi là đủ rồi. Nếu cả bà và tôi không ai đi thì mới có quyền trách với móc chứ”.

Đó là những lời đối đáp giữa chồng và bà trước khi ông đi. Còn lại ở nhà một mình, bà mở TV để xem phim. Đĩa DVD với tựa đề Doctor Zhivago của đứa con gửi cho bà. Chồng đi vắng, ở nhà một mình chẳng còn việc gì để làm, bà ngồi coi phim cho qua thì giờ. Trên màn hình, ở đoạn bà đang coi, bà thấy chiếu cảnh con tầu với những dẫy toa dài chạy trên đường sắt. Ở một vùng trời và đất trắng xóa những tuyết. Tuyết bị xé ra làm đôi trước đầu máy đang tiến tới. Những nơi tầu qua, cảnh vật tiêu điều và hoang vu. Những ngôi nhà phần lớn đều đã đổ sập. Cạnh đường sắt, khi đoàn tầu chạy ngang qua, có vài người đàn bà và con nít đứng giơ cao tay lên vẫy vẫy. Đó là chuyến tầu chở đủ hạng người trong xã hội. Bà tự hỏi không biết đây có phải là tầu đưa họ về vùng Tây Bá Lợi Á hay không. Cuốn phim được thực hiện dựa theo tác phẩm của Boris Pasternak, ông là một văn hào người Nga.  

Đang lúc thả mắt theo hình ảnh chiếu trên màn hình, bà bỗng nghe thấy có tiếng gõ cửa. “Mới đi đây sao đã về sớm vậy”. Bà nghĩ và đinh ninh cho là chồng đã trở về, nhưng khi cánh cửa mở ra, bà nhận thấy không phải chồng mà là ông Thảo. Người khách tên là Thảo trước 75 là người tình cũ của bà. Ngày ở tù, Thảo và chồng bà ở cùng trại nên mới quen nhau. Trong một chừng mực và giới hạn đúng mức, mỗi lần gặp bà, Thảo vẫn xưng hô đúng tư cách là người bạn của chồng mà không là người tình cũ như trước đây. Chính vì vậy, chữ “chị” mà không là chữ “em” khi nói chuyện với bà.
“Chào chị. Tôi đến hơi đường đột vì trên đường ngang qua đây, thấy gần nhà anh chị nên đã ghé vào. Đáng lẽ ra, muốn đến, tôi phải điện thoại báo trước cho anh chị trước mới phải”.
Nghe thế, bà chỉ cười rồi bảo:
“Anh đến bất ngờ quá làm tôi không biết để chuẩn bị. Anh thấy đầu tóc tôi chưa kịp


chải, ăn mặc thì chưa chu tất gọn gàng”.
Khách cười xòa:
“Tôi đã xin lỗi chị rồi”.
Thấy người bạn của chồng cứ đứng chôn chân ngoài ngưỡng cửa, bà lại lên tiếng:
“Sao đã đến lại không vào. Bộ anh còn đợi tôi mời anh đấy hả”.
“Thì đúng là vậy. Không mời, tôi đâu dám vô”.
Tính cởi mở phóng khoáng, bà đã vui vẻ nói mà không kịp giữ ý:
“Lại vẫn cái lối xưa cũ diễn lại. Anh chưa bỏ được cái thói khách sáo đó sao”.
Người khách vừa cười vừa bước vào trong nhà. Khi đã ngồi xuống, ông bạn mới hỏi:
“Ông ấy đâu rồi chị”.
“Trưa nay có người bạn tổ chức lễ sinh nhật, nhà tôi đến dự nên không có nhà”.
“Vậy sao. Cứ tưởng tới được gặp ông ấy, hóa ra ông bạn tôi lại đi vắng. Thật uổng”.
“Anh lúc này sống ở đâu và làm gì”.
“Sống ở Dallas. Ăn lương hưu nên ở nhà hưởng nhàn”.
“Đã thật. Vậy là hạnh phúc sung sướng rồi”.
“Sung sướng thì đúng. Còn hạnh phúc thì không còn hạnh phúc nữa chị ạ”.
“Sao vậy”.
“Tụi tôi đã li thân. Đời ai người ấy lo, hồn ai người đó giữ. À, chị đang coi phim đấy hả. Mấy cái cảnh đang hiện ra trên màn ảnh, nếu tôi đoán không sai, nó là phim Doctor Zhivago đấy có  phải không“.
“Phải. Như anh đã nói, tôi đang coi cái đoạn con tầu chạy giữa một vùng đầy tuyết phủ. Nếu trí nhớ của tôi bây giờ không đến nỗi tệ, thì tôi nhớ ngày còn ở Sàigòn, cuốn tiểu thuyết của nhà văn này có lần anh đã cho tôi mượn đọc thì phải”.
“Còn thì phải gì nữa. Nhớ như thế là đúng quá rồi”.
“Trong phim tôi vừa mới coi cái đoạn đoàn tầu đi trên đoạn đường tuyết, tuyết phủ trắng xóa nom đẹp làm sao. Nhiều năm rồi, hình ảnh đó còn in dấu trong óc não tôi như mỗi lần tôi đi Reno vào mùa có tuyết”.
“Đó là ký ức thật tuyệt vời của những ngày mình còn trẻ. Lúc đó, tôi còn nhớ tình yêu mới chớm nở ở tuổi thanh niên như những bông hoa vừa mở cánh. Tôi nhắc về chuyện quá khứ của đời mình cũng là để gợi cho chị nhớ lại cái ngày ấy”.

Bà biết là ông bạn của chồng đang cố ý kéo lùi thời gian để đem cái quá khứ trở lại hiện tại. Nói những câu nói úp mở như thế, người bạn của chồng chính là người tình cũ của bà muốn có ý khơi lại cái thời bà và người khách đã yêu nhau. Không muốn để câu chuyện mỗi lúc mỗi đi sâu vào chuyện tình dang dở, bà đã như một người lái xe, lái cái xe quẹo theo hướng mình muốn quẹo. Ông Thảo trong một lúc đã không còn tự chế được tình cảm, bỗng từ cái ghế bên cạnh bước sang cái ghế bà đang ngồi, rồi ngồi xuống. Khoảng cách giữa hai người là khoảng cách khá gần, nhận ra điều đó, bà hoảng sợ nên có ý ngồi nhích ra xa hay tốt nhất là đứng dậy. Rõ ràng đây là một lời tỏ tình mà người bạn của chồng bà, người tình cũ của bà, đã nói với giọng nói mất tự chủ:
“Dù bây giờ em không còn là của anh, nhưng anh vẫn yêu em”.

Thảo mạnh dạn xấn đến gần bà rồi trong một phút cuồng nhiệt khó kiểm soát được lý trí, Thảo đã chồm tới ôm bà. Đúng lúc đó, chồng bà xuất hiện. Thường mỗi khi ra phố


hay đi đâu trở về, chồng bà nếu không dùng cửa trước thì dùng cửa sau lối ở vườn, ông hay vào nhà bằng cửa đó. Thấy cái cảnh diễn ra trước mắt, chồng bà đứng xững như người ông đã hóa đá. Nhưng chỉ sau một lúc, ông lấy lại bình tĩnh trong lời nói, trấn tĩnh được cử chỉ không để hai tay có thể bất ngờ vung lên, ông nói với một giọng nói cố gắng tự nhiên:
“Dù sao mình cũng phải cám ơn cậu đã mất công đến thăm mình, còn cái việc vừa xẩy ra, mình không là bậc thánh nhưng cũng cố bỏ qua cho cậu. Mình biết vợ mình trước đây là người tình của cậu, cậu vẫn còn nuôi nấng tình yêu đó cũng là điều tự nhiên cả thôi. Bây giờ, sau khi đã gặp mặt nhau rồi, cậu có thể ra về hơn là còn ở lại”.

Chỉ một lời nói như thế chồng bà thấy đã là quá đủ, thì ông cười và im lặng. Mỗi khi nhớ lại chuyện bất ngờ xẩy ra như thế, bà cứ tưởng nằm ngủ thấy ác mộng. Dù sao, bà vẫn cho bà là người không có lỗi. Bà đâu phải là người chủ động thì nếu đứng trước vành móng ngựa, trong phiên xử, bà vẫn là người được hưởng quyền trắng án. Nhưng không có một phiên tòa nào để xử mà đối với chồng, bà vẫn bị coi là người đồng lõa với kẻ tội phạm.

Toa tầu vẫn lúc lắc đu đưa chạy mải miết trên đường ray. Qua bao nhiêu ga rồi bà cũng không hay biết. Tiếng lịch kịch của sắt thép khua động vẫn đều đặn và nhịp nhàng đã đưa đẩy bà lúc ngồi nhớ lại, lúc bà dâng trào xúc động. Bà cảm thấy nước mắt chốc chốc lại ứa ra. Chẳng có ai quen ngồi cạnh bà để bà nói ra hết nỗi niềm u uất lắng đọng trong tận cùng cõi lòng. Từ cửa sổ nhìn ra bên ngoài, trong bóng tối đã thấy những ngọn đèn ở xa xa đang lấp lóe. Có phải ở đó là thành phố cảng với nhà cửa phố xá khi con tầu mỗi lúc mỗi gần nhà ga không. Có phải giờ này ở sân ga con bà đang đứng đợi con tầu tối về tới bãi đậu ở trạm chót mà trong con tầu đó có bà đang ngồi. Đúng vậy. Khi tầu ngừng rồi vừa đặt bước xuống sân, đứa con trai bà đã đến bên bà, reo lên một tiếng “mẹ”. Như thế đủ để bà không còn cảm thấy cô đơn và một mình chịu đựng nỗi buồn uất nghẹn. Trên đường xe chạy, con bà đã hỏi về bố nó, bà chỉ có thể trả lời cho con biết là “bố vẫn khỏe”. Còn chuyện khác, bà không muốn cho nó biết vì biết để làm gì. Bà vẫn tin rằng, tất có một ngày, chồng bà sẽ hiểu. Và ngày ấy, xa hay gần, bà hoàn toàn không biết. Nhưng một người vô tội, bà có quyền tin vào điều đó. Một cách vô thức, bà nhớ đến chuyện một cô gái mãi dâm bị người ta ném đá, Chúa đã phán bảo nếu ai là người tự cho mình là người không có tội thì cứ cầm đá mà ném cho chết cô con gái mãi dâm. Chẳng ai thấy mình là người không có tội nên tự ý họ đã ngưng ném những hòn đá trong tay đang cầm. Bà không là cô gái mãi dâm thì bà không phải sợ những hòn đá đó ném về bà. Hết dốc núi rồi đến đường bằng, xe con bà ngừng lại tắt máy, bà biết là đã tới nơi. Bà xuống theo con đi vào nhà. Sau chặng đường dài tầu chạy, bà thấy đã thấm mệt. Vào phòng vừa đặt lưng xuống giường, bà ngủ thiếp đi.

Buổi sáng thức dậy, hai vợ chồng đứa con đã tới văn phòng. Còn lại một mình trong căn phòng trống trải, bà ngồi ở phòng khách âm thầm lặng lẽ. Cảm thấy cô đơn và buồn bã, bà đứng ở cửa sổ ngó ra bên ngoài. Nhìn xa gần, mắt bà chỉ thấy nhà cửa trên những sườn dốc và những con đường ngoằn ngoèo như rắn bò. Tít tắp dưới tầm mắt, phẳng và xanh là mặt biển rộng và dài. Bỗng chốc, lòng bà thắt lại khi nghĩ đến


chồng. Rồi cùng lúc, bà nhớ đến căn phòng là nơi hai vợ chồng bà đã ở. Nó ấm cúng và đầm thấm trong cảnh hạnh phúc bền vững không có gì để so sánh được. Vậy mà chỉ trong vài phút ngắn ngủi, cái ấm cúng, đầm ấm và hạnh phúc đó, nó đã rạn nứt rồi bể vỡ như một cái bình thủy tinh cắm hoa.

Những ngày bà sống với con, bà cố không để cho các con bà nhận thấy bà buồn. Bà cũng giữ kín chuyện xẩy ra giữa chồng bà và bà để đi đến việc bà rời nhà lên đây ở. Cũng có lần bắt gặp thấy bà buồn, con bà có thắc mắc hỏi. Để trả lời, bà chỉ cười và chối là bà có buồn gì đâu. Đã gần một tháng từ ngày bà đến ở với con trai và con dâu, bà chẳng thấy chồng bà điện thoại hỏi thăm sức khỏe. Bà biết sự im lặng đó chẳng qua chỉ vì chồng còn giận bà. Chịu đựng sự hiểu lầm của chồng, bà chỉ biết cắn răng chấp nhận để hi vọng có một ngày, cái oan ương mà bà phải gánh, nó sẽ được tháo bỏ như cái còng ở tay một người tù. Ngày ấy theo mong đợi của bà đã đến.Đó là một buổi sáng bà đang ngồi ở phòng khách, mắt rõi lên màn ảnh TV, thì bà bỗng nghe thấy tiếng chuông báo có khách đến nhà. Không biết là ai nên bà tuyệt đối không mở, nhưng bà đã mở khi mắt nhìn qua kính cửa sổ, bà thấy đúng chồng bà đang đứng bên ngoài, thì vừa mừng vừa vui, cánh cửa được bà mở ngay ra.

Vừa buớc vào nhà, chồng bà đã dang hai tay ra để ôm chặt lấy bà. Cử chỉ và hành động đó làm bà xúc động, bà khóc nức lên. Dìu vợ vào phòng khách, đã ngồi xuống cái sofa, chồng bà nhìn bà âu yếm vừa chậm chạp nói:
“Chỉ vì hiểu lầm đáng tiếc, anh đã làm em khổ. Bây giờ khi hiểu ra sự thật, anh rất thực lòng ân hận. Tối qua, Thảo đã điện thoại xin lỗi anh. Hắn thề là hắn đã tự ý xúc phạm đến em chứ em không hề có tư tưởng đồng lõa với hắn. Sống với em, anh hiểu vợ anh không cư xử tệ hại đến độ hành động như thế. Từ ngày lấy anh, anh biết em vẫn coi Thảo chỉ là một người tình đúng với nghĩa của nó, và em vẫn sáng suốt để phân định chỗ đứng của một người tình cũ và người chồng hiện tại của mình. Câu chuyện hiểu lầm của anh đến đây được coi là chấm dứt. Anh vẫn quí em và yêu em”.

Nghe chồng nói, bà thấy nỗi buồn suốt một tháng nay như một bày chim sổ lồng vỗ cánh bay đi. Nếu là hồi còn trẻ, bà đã ôm lấy chồng rồi hôn chồng thay cho lời cám ơn, còn bây giờ đã có tuổi, cái hôn đó được thế hiện bằng cách, bà cầm bàn tay chồng để biểu lộ bà vẫn yêu chồng hết lòng.

Vẫn một nhà ga và con tầu lúc đi và đến, bây giờ con tầu ở nhà ga từ điểm đến lại trở về chỗ đã đi, họ trở về thành phố cư ngụ sau đoạn đường dài tầu chạy. Không còn thấy đêm tối như lần đi trước đây, nhìn ra cửa sổ, mắt chỉ thấy những ngọn đèn nhấp nháy, trong lúc tầu chạy, mắt bà đã thấy những nhà ga khi tầu qua, những nhà phố và những vùng đất có cây cối khi tầu lướt tới, cho đến lúc, đoàn tầu ngừng lại ở nhà ga của thành phố nơi hai vợ chồng bà cư ngụ.

NGUYỄN TRUNG DŨNG
3/2011    

No comments:

Post a Comment