Truyện ngắn
ĐÔI MẮT
Tác giả NGUYỄN TRUNG DŨNG
Chạy trước xe Khánh là
chiếc xe vận tải chở hàng. Căn đúng tốc độ 65 là tốc độ cho phép ở đoạn đường này,
Khánh cũng không quên giữ khoảng cách an toàn từ xe mình với xe vận tải chạy ở phía
trước. Bám đuôi cái xe vừa lớn lại vừa dài như thế, nếu chỉ sơ ý như thắng không
kịp, khi cái vận tải chạy đằng trước vì lý do gì đó, bất thình lình giảm tốc độ,
Khánh biết chắc tai nạn sẽ xẩy ra. Vậy mà, chẳng hiểu do phản ứng chậm, do thắng
không ăn, hay do lúc đó trời mưa đường đang trơn, chỉ sau một tiếng rầm như tiếng
đạn pháo kích, đầu mũi xe của Khánh đã ủi thẳng vào đuôi của cái xe vận tải.
Ở phòng cấp cứu, không
biết thời gian mình đã mê man là bao lâu, Khánh đã hồi tỉnh. Đấy là lúc đầu óc
Khánh có thể nhớ lại từng diễn tiến từ lúc xe Khánh chạy sau chiếc xe vận tải,
từ lúc xe Khánh húc đầu vào đuôi của cái xe chạy trước mình, đụng rồi ngất. Khi
trí óc Khánh đã hồi phục, sức khỏe tương đối bình thuờng, duy cái chân bên trái
của Khánh thì xương bị gẫy, Khánh được chuyển về một căn phòng khác để nằm điều
trị.
Sau một thời gian cái
chân được bó bột, Khánh được xuất viện để trở về nhà. Hãng của Khánh không muốn
cho Khánh tiếp tục làm việc với một cái chân què. Một nhân viên phải đu đưa thân
bằng một cái nạng chống như thế, họ có lý do để cho Khánh nghỉ. Nghỉ với số tiền
hãng cho nơi Khánh làm hơn mười lăm năm, nghỉ với tiền trợ cấp xã hội cho người
tàn tật, với thu nhập hàng tháng, cũng đủ để cho Khánh trả tiền thuê nhà, tiền
chi phí hàng ngày. Chỉ có điều khi chưa bị tai nạn, Khánh ở một nơi tương đối rộng
rãi thoải mái, nay với ngân khoản giới hạn, Khánh phải dọn về cái “studio” dành
cho một người trong khu chung cư.
Chung cư đó, phòng Khánh
ở là tầng phía dưới. Với cửa thông ra đường, Khánh có thể dùng cái cửa đó để mỗi
lần ra phố hay đi thư viện, Khánh không phải dùng tới thang máy như những cư dân
sống ở các tầng lầu phía trên.
Một cái ghế có lưng tựa
kê sát cửa sổ ngó ra đường, mỗi sáng thức dậy, Khánh có thói quen hay ra ngồi ở
đó. Ngồi để đưa mắt nhìn ra con phố vắng vẻ với hàng cây trồng ở hai bên vỉa hè.
Cái bảng màu xanh, chữ “bus stop” màu trắng, gắn trên đầu một cây sắt ở lề đường
trước cửa nhà, là trạm xe chuyên chở công cộng thường đến rồi ngừng để đón khách.
Khánh chẳng mấy khi quan tâm đến những người khách ra đó đứng để đón xe. Khách đến
trạm đón xe phần lớn là những người ở trong khu chung cư. Vài người Khánh quen
vì đã có lần giao tiếp, có người không quen vì ít khi gặp mặt. Ngoài những người
đó ra, Khánh còn để ý thấy có một bà đứng tuổi đi với một cô gái đến đợi ở trạm
xe bus đón xe. Cô gái chắc hẳn là con của bà ta. Cô còn rất trẻ. Điều đáng ngạc
nhiên là mỗi lần ra trạm xe “bus”, Khánh thường thấy bà mẹ cầm tay giắt cô ta
như thể nếu không được bà mẹ giắt cô đi, cô không thể tự đi một mình được. Tự
nhiên Khánh có cảm tưởng cô gái là một cô gái mù. Không thể nhận ra đôi mắt của
cô vì cái kính đen
cô đeo. Cũng khó mà đoán
được nếu chỉ nhìn qua cách cô đi đứng bởi bà mẹ cô giắt cô đi mỗi lần ra trạm
xe “bus”. Mẹ cô giắt cô có thể do mắt cô không nhìn thấy đường, nhưng cũng có
thể do chân cô yếu, một trong hai lý do đó, lý do nào thì Khánh thực tình
không biết mà quyết đoán
được.
Vào những ngày thời
tiết tốt, nắng ráo và không có gió lạnh, Khánh thường hay chống nạng đi dọc
theo vỉa hè con phố, để hít thở không khí trong lành cho buồng phổi, để thư giãn
chân tay cho máu huyết vận hành, thay vì ở trong căn phòng cửa đóng kín mít, tù
túng như một nhà tù. Đi dạo bộ như thế, Khánh nghe thấy tiếng chim hót trên cây
cối xa gần, thấy xe chạy, người đi bộ, thấy con đường phố dài với nhà cửa ở hai
bên, và nhìn lên bầu trời, thấy mây trắng bay lơ lửng nom như những giải lụa.
Sáng nay cũng vậy,
sau bữa điểm tâm với ly cà phê sữa, một lát bánh “sandwich” có lẫn nho khô, Khánh
mở cửa chống nạng bước ra đường. Đi một hồi thấy chân cẳng đã mỏi, Khánh lại ngược
con đường để quay trở về dẫy chung cư. Ngang qua cửa một căn phòng, Khánh nhận
ra người đàn bà có cô con gái đeo cặp kính đen, thỉnh thoảng họ ra trạm xe
“bus” đón xe. Bà ta đang lo săn sóc mấy chậu cây để ở cái “patio” mặt trước tiền
nhà. Khánh chưa kịp lên tiếng, chứng tỏ mình là người lịch sự xã giao, bà ta đã
chào hỏi:
“Cậu đi dạo đấy hả. Dạo
sớm thế”.
Cái tính đon đả và
vui vẻ của bà ta đã, dù muốn hay không, buộc Khánh phải vồn vã để tỏ ra mình là
người bặt thiệp, với một nụ cười và một câu trả lời không cần phải đắn đo suy
nghĩ:
“Thưa bà, bác sĩ khuyên
tôi thường xuyên đi bộ để xương ở cái chân gẫy không bị tê cứng. Quả đúng như lời
khuyên của bác sĩ, nếu vài ngày không đi, tôi thấy bên chân gẫy, xương hơi cứng,
cử động khó khăn”.
“Tại sao chân cậu lại
bị gẫy vậy”.
“Do một vụ đụng xe
ngoài xa lộ, lúc xe tôi húc đầu vào đuôi của chiếc xe tải chạy phía trước. Đụng
cỡ đó, tôi không chết cũng là may. Nhưng không chết mà chân bị gẫy, tôi thấy sống
trong tình trạng què quặt như thế này, tôi cũng thấy chán đời chứ còn gì để tha
thiết sống nữa”.
“Nếu cậu rảnh, mời cậu
vào trong nhà nói chuyện đã. Chỗ cậu và tôi cùng ở trong môt khu chung cư, phòng
có khác, nhưng kể như là hàng xóm láng giềng đấy”.
“Hình như bà mới dọn
đến ở đây thì phải. Tôi biết cái phòng này
trước đây bỏ trống vì người chủ cũ đã không còn thuê”.
“Đúng vậy. Tôi dọn đến
đây ở mới chừng hai tháng”.
Đã ngồi ở cái ghế
trong phòng khách, Khánh đưa mắt quan sát nơi ở, thấy đồ đạc không nhiều, nhưng
mọi cái mọi thứ đều ngăn nắp, gọn gàng đúng nơi đúng chỗ. Cái ban thờ có tượng
Phật. Trên ban thờ có bát cắm nhang, có hai cây đèn điện, có bình hoa, có những
bức di ảnh của những người đã quá vãng. Một bộ “sofa”, cái dài kê sát vách bức
tường, cái ngắn tiếp cận theo hình thước thợ. Một cái giường cá nhân đặt ở cuối
căn phòng mà sau bức kệ thấp là chỗ nấu ăn. Còn một cái bàn gỗ vuông vắn, hai bên
để hai cái ghế gỗ có lưng tựa, Khánh nghĩ đó là cái bàn ăn mỗi bữa cho hai mẹ
con. Phòng có cánh cửa
đóng chắc là phòng ngủ. Cái cánh cửa đóng đó đã không cho phép Khánh nhìn thấy đồ
đạc bên trong gồm có những gì. Mà tò mò muốn biết như thế, Khánh hiểu đó là một
điều không nên, vì thế, thấy cái cửa đóng của căn phòng, Khánh chỉ nhìn lướt
qua rồi đưa mắt lên bức vách có bức chân dung của một người con gái. Thấy khách
cứ ngước mắt nhìn chăm chú bức chân dung, bà mới từ tốn chậm chạp
bảo:
“Bức họa này được vẽ
bởi cậu Phước. Cậu Phước trước đây là người yêu của con gái tôi. Vừa là nha sĩ,
vừa là họa sĩ, cậu ấy có cảm tình với con tôi. Ngày con tôi còn học ở đại học,
hai đứa đã hứa sẽ đính hôn sau khi con gái tôi tốt nghiệp. Nhưng khi mắt con gái
tôi bị mù, cậu Phước đã không còn lai vãng đến nhà tôi nữa. Giận con người bạc
tình bội nghĩa, đã có lần tôi muốn đem bức họa xé bỏ nó đi. Nhưng con tôi ngăn
tôi không cho xé. Vì thế, trên bức tường kia, bức họa vẫn giữ vị trí của nó như
cậu đang nhìn thấy đấy”.
Khánh chưa kịp lên tiếng,
thì ngay lúc đó, ở trong căn phòng có cánh cửa đang đóng, cô con gái của bà đã nói vọng ra:
“Mẹ à. Con đã nói với
mẹ nhiều lần rồi, chuyện của con, sao mẹ lại kể ra cho người khác nghe để làm gì
vậy mẹ”.
Cùng lúc, cái cánh cửa
phòng từ từ mở, cô con gái của bà hiện
ra. Dường như khoảng cách và lối đi từ chỗ cô đứng đến cái bàn gỗ vuông có hai
cái ghế kê ở hai bên, hàng ngày cô đã quá quen thuộc, nên những bước đi rất tự
tin và rất chính xác. Những đồ vật không làm cô đụng chạm như một người mắt còn
sáng, biết né tránh và biết chỗ nào trống để đi. Ở cái bàn có hai cái ghế gỗ, cô
ngồi xuống một trong hai cái ghế đó. Khác với vài lần cô theo mẹ ra trạm xe “bus”
đứng đợi xe, đôi kính đen cô không đeo để che cặp mắt. Mắt cô nom vẫn không khác
mắt của người bình thường, nhưng hai con mắt đó, thị nhãn đã hoàn toàn vô hiệu
lực. Thay vì nhìn, ngồi ở cái ghế ở cái bàn gỗ vuông, cô gái đã chẳng nhìn rõ vật
thể ở chung quanh cô, riêng đôi tai, đôi tai làm việc để nghe thay cho đôi mắt
của cô đã mù.
Thấy có mặt con, bà mẹ
đâm ra mất tự nhiên. Vẻ lúng túng thấy rõ từ cử chỉ đến lời nói khi bà vừa đưa
mắt nhìn người khách, cái đầu vừa lắc qua lắc lại. Đổi câu chuyện sang đề tài
khác là cách chọn lựa tốt nhất, Khánh nhanh chóng hỏi bà về những chậu cây, mà mới đây, Khánh thấy bà đứng ở ngoài “patio” chăm lo tưới tắm cho chúng.
“Hai chậu cúc vàng
hoa nở rộ nom quá đẹp. Bà mua ở đâu và giá bao nhiêu mỗi chậu vậy”.
Đáp lời khách hỏi, bà
cho biết bà mua ở đâu và giá tiền mỗi chậu,
rồi, hạ thấp giọng nói như thầm thì, bà tiếp:
“Em nó không thích tôi
tiếp chuyện với người lạ ở trong nhà. Xin lỗi cậu, để lúc nào tiện, tôi gặp cậu
sau nhé”.
Khánh không phật ý với
lời nói thành thật của bà, mà ngược lại, Khánh thực tình hiểu biết và thông cảm.
Rời ghế đứng dậy để về, Khánh ra khỏi căn phòng. Bà mẹ cô gái vẫn tỏ ra vừa áy
náy vừa ân hận về điều mà bà cho là có lỗi đối với khách, nên, trên nét
mặt bà, Khánh vẫn có
thể nhận ra điều đó một cách dễ dàng. Có những điều bà muốn nói nhưng ở trong nhà chưa nói hết, khi Khánh đã bước xuống bậc tam
cấp cuối cùng để ra đường, bà còn cố níu
tay Khánh lại để thầm thì kể:
“Em nó mù, nhưng nếu
như có được đôi mắt của ai cho nó, sau khi giải phẫu, vẫn hi vọng em nó không còn
bị mù như thế này nữa. Bác sĩ nhãn khoa đã bảo thế, nhưng, chuyện đó khó như mò
ngọc trai dưới đáy biển, đâu dễ gì có được”.
Với bất cứ ai, dù
quen thân hay quen sơ, câu nói đó hình như đã có sẵn ở đầu lưỡi của bà, tự nó
thốt ra giống như một cái đồng hồ quả lắc treo trên tường, đúng thời khắc, đồng hồ lại tự động đổ chuông.
Buổi sáng còn thấy nắng,
buổi chiều, mây đen vần vũ đã kéo về. Mây chưa đủ nặng nên chưa có mưa. Phải đợi
đến lúc những ngọn đèn đường vừa lóe sáng, bóng tối đã thẫm đặc, mắt nhìn qua
khung kính cửa sổ, Khánh mới thấy những giọt nước từ trên trời tung tóe rơi xuống.
Khung kính cửa sổ nghe có tiếng lách cách như tiếng kính rạn vỡ. Kính không rạn
vỡ mà thực ra đó chỉ là tiếng gõ của những giọt mưa khi chúng bị gió thổi đập vào. Như mọi bữa, giờ này, Khánh đã lên
giường tìm vào giấc ngủ. Đúng giấc, như một thói quen cố hữu, nhưng đêm nay, câu
nói của bà mẹ cô gái mù “nếu như có được đôi mắt của ai đó cho nó”, đã làm Khánh
phải bận tâm. Tại sao phải bận tâm vì chuyện đó đâu có gì liên quan đến Khánh.
Thực ra không đơn giản chỉ có vậy. Cái nghĩ ngợi trong đầu óc Khánh nó kéo Khánh
đi xa hơn không như Khánh tưởng. Đấy là đôi mắt. Đôi mắt của cô gái mù. Nếu cô
ta có được đôi mắt bình thường, cô đã không phải dựa dẫm trên những bước đi, cô
đã có một cuộc đời hạnh phúc như các cô gái khác, cô đã có một tương lai sáng lạn
với nghề nghiệp vững chắc khi cô tốt nghiệp đại học, và cô sẽ có một người chồng
xứng đáng để sống bên nhau. Nếu có đôi mắt của một người nào đó hi sinh cho cô,
chắc chắn cô sẽ sung sướng vô cùng vì thấy được ánh sáng của ban ngày và bóng tối
của ban đêm, thấy bạn bè khi cô đến ngồi ở trường lớp, thấy đời sống sinh hoạt
của mọi người ở chung quanh, và thấy cảnh vật thiên nhiên ở khắp nơi khắp chỗ mỗi
khi chúng ở trước mặt. Điều quan trọng nhất làm cô sung sướng là từ đó, bằng đôi
mắt, cô có thể nhìn thấy mẹ cô như trước đây cô đã nhìn thấy mẹ khi đôi mắt cô chưa
bị mù. Thật tội nghiệp một cô gái đẹp như cô, có hai con mắt nhưng hai con mắt đó không thể
xử dụng được. Với khuôn mặt hình trái soan dễ thương, với cái mũi dọc dừa sống
mũi thẳng, với đôi môi hình trái tim xinh xắn, với mái tóc có những sợi tóc dài
chấm ngang vai, cô đẹp như những cô gái được các họa sĩ vẽ trên những bức tranh.
Nhưng đôi mắt, đôi mắt mù của cô đã lấy đi tất cả những gì mà đáng lẽ ra, hạnh
phúc, tình yêu, công danh, sự nghiệp, những cái cô là người xứng đáng phải có,
cô đã bất hạnh không có.
Đã ngồi ở cái ghế “sofa”
nơi phòng khách, đã nằm trên giường trong phòng ngủ, bấy giờ, đêm khuya lơ
khuya lắc, đầu óc Khánh vẫn không khỏi bận tâm nghĩ đến cô con gái có đôi mắt mù.
Cuối cùng, sau khi loanh quanh như một người đi lạc trong một con ngõ hẻm, Khánh
đã tìm ra được con đường phố, đấy là lúc Khánh nghĩ ra một cách. Khánh tự nhủ
chỉ có cách đó mới giúp cô gái mù ra khỏi con đường hầm đầy bóng tối, thấy được
ánh sáng của mặt trời ở bên ngoài. Khánh nhớ lại ngày còn đi học, mỗi sáng
trước khi ra khỏi nhà
đến trường, mẹ Khánh thường cho Khánh vài đồng bạc là tiền để ăn quà. Trên đường
đi, Khánh thấy một bà hành khất mù đang đứng với cái nón ngửa ra để xin khách
qua đường bố thí, không ngần ngại, Khánh đã đem đồng tiền của mẹ cho để giúp đỡ
bà cụ. Hành động từ tâm có tính cách thương người như thế chỉ là một chuyện bình
thường, nhưng nó đã thể hiện cái lòng thiện vốn có của Khánh từ thuở ấu thơ. Bây
giờ, giữa cái nên hay không nên, giữa cái cho hay không cho, cái nào cũng có cái
được và cái không. Cuối cùng, cái nên và cái cho, Khánh đã dứt khoát chọn lựa. Chọn
lựa một cách tự nguyện và không một chút ân hận.
Vầng trăng vẫn ở ngoài
khung kính cửa sổ sáng rực rỡ. Vầng trăng treo lơ lửng trên bầu trời màu vẩy cá
bạc. Khoảng khắc thời gian chắc chắn là đã quá nửa đêm. Giải quyết với một quyết
định đã có, bây giờ, đầu óc Khánh trở lại sự bình yên, để thanh thản đi vào giấc
ngủ, những suy nghĩ không còn làm Khánh phải bận tâm, như lúc trước đây khi Khánh
đặt lưng trên giường, thao thức và trằn chọc.
Ngày hôm sau, Khánh
thức giấc hơi muộn. Mọi sáng, Khánh thường dậy khi đường phố vẫn còn bóng tối.
Không như hôm nay, mở mắt, Khánh đã thấy ánh nắng của buổi mai nhấp nháy sáng
trên lá của những ngọn cây già, thấy đồ vật trong căn phòng của mình đã hiện
nguyên hình thể.Với tai, Khánh đã nghe thấy tiếng hót của những con chim, tiếng
xe chốc chốc lại băng qua đường phố ở mặt tiền nhà, và tiếng TV mở với âm thanh
hơi lớn của người ở trên lầu 2 của chung cư. Thời tiết khô se và nắng ráo đã là
điều kiện tốt nhất để Khánh thực hiện việc đi bộ. Vẫn chỉ là vỉa hè của con đường
trước dẫy nhà, Khánh lững thững như một người nhàn tản, bước những bước chậm rãi
vừa nghĩ đến bà mẹ của cô gái mù. Không biết đây có phải là thần giao cách cảm
hay không, khi Khánh nghĩ đến bà mẹ của cô gái mù thì cũng là lúc bà nghĩ đến
người khách đến nhà hôm qua, câu chuyện giữa bà và người khách còn chưa nói hết.
Trên vỉa hè đi ngược lại, người đang đi ngược chính là bà mẹ cô gái mà Khánh muốn
gặp:
“Chào bà. Bà khỏe không”.
“Cám ơn cậu, tôi khỏe”.
“Hôm qua sang bên bà
ngồi nói chuyện, lúc về, tôi cứ bận tâm suy nghĩ mãi. Cả đêm, tôi chẳng làm sao
chợp mắt được”.
“Không lẽ có điều gì
tôi nói làm cậu phật ý sao”.
“Không, thưa bà. Bà có nói gì đâu mà làm tôi phật ý.
Không ngủ được chỉ vì tôi cứ nghĩ về đôi mắt của con bà nên mới trằn trọc”.
“Đấy là cậu mới trằn
trọc có một đêm, còn tôi, từ ngày nó mù, tôi đã trằn trọc cả một năm trời ngủ
không yên giấc”.
“Thưa bà, hôm qua, ngồi
nghe bà nói chuyện, bà bảo bác sĩ cho biết, nếu đem đôi mắt của một người tự
nguyện hiến tặng để thay thế đôi mắt mù của người khuyết tật, thì, sau cuộc giải
phẫu, kết quả, người có hai con mắt mù, với hai con mắt mới thay thế, người đó
sẽ có một thị giác như một người bình thường. Thực tình tôi muốn thưa với bà, tôi
tình nguyện là người hiến đôi mắt của tôi cho con bà có được không”.
Vừa ngạc nhiên, vừa sửng
sốt, bà mẹ cô gái hỏi lại như không tin vào đôi tai của mình:
“Cậu vừa nói gì tôi
nghe không rõ”.
Khánh lập lại lần thứ
hai một cách xác quyết về lời nói của mình:
“Vâng, thưa bà. Tôi có
ý định sẽ hiến tặng đôi mắt của tôi cho con bà. Đêm qua, tôi nằm suy nghĩ và đã
đi đến quyết định dứt khoát về việc tôi cho đôi mắt. Nếu cô con gái của bà nhờ đôi
mắt của tôi mà mắt cô sáng trở lại, thì đấy chính là niềm vui của tôi và tôi chẳng
có gì phải ân hận cả”.
“Cậu không nghĩ là
khi cậu mù, cậu sẽ khổ như thế nào hay sao”.
“Tôi biết. Một cái chân
bị gẫy, đi phải dùng đến cây nạng, tôi quá hiểu về nỗi khổ của một người thân
thể bất bình thường. Cái chân gẫy đã làm tôi thất vọng vì với tình trạng của một
người què như tôi, tôi sống chỉ là sống trong nỗi bất hạnh và khổ đau. Một con
người tàn tật như tôi
chỉ là một con người vô tích sự chứ có ích lợi gì cho chính bản thân mình và cho
xã hội. Một con người như thế, nếu có kéo dài cuộc đời với cây gậy chống, tôi
thiết nghĩ chẳng cần phải giữ đôi mắt của mình để làm gì. Với đôi mắt của tôi nếu
được thay thế cho đôi mắt mù của con gái bà, tôi tin chắc tương lai của con gái
bà sẽ rạng rỡ sáng sủa hơn, sẽ có một mái gia đình hạnh phúc với chồng con, và sẽ
là người tích cực đóng góp công sức để phục vụ cho mọi người hơn là một người
què như tôi”.
Lời nói của Khánh đã
có sức thuyết phục và làm bà chỉ còn biết
xúc động, đứng im lặng nghe. Vẫn cái xúc động đó và lần này, cơn xúc động mạnh
mẽ đến độ bà ứa nước mắt rồi cứ cầm mãi tay Khánh mà nghẹn ngào. Mọi việc kể như
đã xong, Khánh gỡ tay bà mẹ cô gái ra, rồi ngậm ngùi đi về căn phòng của mình cư
ngụ.
Khi đã tự nguyện hiến
tặng đôi mắt của mình cho cô gái, Khánh đã trở thành một người mù. Khánh mù không
do tai nạn mà do sự hi sinh để cứu người khác, vì thế, điều đó đã không làm Khánh
phải ân hận mà ngược lại, mỗi lần nghĩ đến cô gái, Khánh lại thấy hành động của
mình là chính đáng và là một niềm vui. Niềm vui đó, ở cô gái mù nay không còn mù
nữa, chắc chắn niềm vui của cô ta còn lớn hơn, lớn ngoài sức tưởng tượng. Đúng như Khánh đã nghĩ.
Giải phẫu thay đôi mắt mất nhãn lực của cô gái bằng đôi mắt của Khánh, nay đã
giúp cho cô có thị giác bình thường. Hôm gỡ mảnh băng bịt mắt, cô đã òa khóc.
Khóc nức nở và khóc không vì sự đau khổ mà là niềm sung sướng khi cô nhìn thấy
rõ đồ đạc ở trong căn phòng. Khóc vì cô nhìn thấy mặt người mẹ già mà hơn một năm
nay, kể từ ngày mắt cô bị mù, cô đã không còn thấy khuôn mặt của mẹ cô nữa. Rồi
cô nhìn qua khung kính cửa sổ về hướng mặt tiền nhà, cô thấy cây cối và xe cộ qua
lại. Trong cơn xúc động lẫn với cái mừng khôn siết, cô quàng tay ôm mẹ cô trong
sung sướng vừa ngậm ngùi. Đấy là buổi sáng của một ngày nắng vừa chan hòa dẫy
phố. Bầu trời xanh lơ như mặt biển phẳng lặng cũng cùng một mầu xanh như mầu
xanh lơ của bầu trời. Giống như chuyện nàng công chúa ngủ trong rừng, nàng công
chúa cũng như cô sau nhiều ngày mới thức dậy, nhìn thấy cảnh vật mà ngỡ ngàng không
biết đấy là thực hay mơ.
Với đôi mắt bình thường
như mắt mọi người, Thảo – tên của cô gái, có thể làm tiếp những việc mà hơn một
năm nay, vì mắt mù, cô đã phải bỏ dở. Thảo ghi danh vào đại học để học tiếp. Thảo
giúp đỡ mẹ những việc mẹ cần. Nhưng đêm tối về, ngồi ở cái bàn dưới ngọn đèn tỏa
ánh sáng xuống cuốn sách, trầm ngâm suy nghĩ, Thảo nghĩ về đôi mắt. Đôi mắt ai đã
hi sinh cho Thảo để cứu Thảo khỏi cảnh mù lòa. Phải đến một hôm, đó là hôm hai
mẹ con ngồi với nhau, mẹ Thảo mới kể cho Thảo biết:
“Ân nhân của con là một
người ở trong chung cư này. Do tai nạn đụng
xe, một bên chân của cậu ấy đã bị gẫy. Khi nghe mẹ nói về mắt con bị mù, cậu ấy
đã tự nguyện hi sinh hai con mắt của cậu để thay cho mắt của con”.
“Con muốn được gặp người
con đã chịu ơn đó”.
“Không có cách nào có
thể gặp được cậu ấy cả con ạ”.
“Sao lại vậy hả mẹ”.
“Là bởi vì căn phòng
cậu ấy thuê, cậu ấy đã trả lại không còn thuê nữa. Và căn phòng đó đã có người
khác dọn đến ở rồi. Không biết bây giờ trong tình trạng mắt cậu ấy mù,
cậu ấy ở đâu và sống
ra làm sao”.
Dĩ nhiên câu hỏi của
hai mẹ con bà chẳng ai có thể trả lời chỉ
trừ ra Khánh. Buổi sáng hai mẹ con bà ngồi
nói chuyện thì cũng là buổi sáng của Khánh ở viện khuyết tật dành cho người mù.
Khánh đã chuẩn bị trước tất cả những gì phải làm sau khi rời bệnh viện để về viện
khuyết tật mà không về căn phòng ở trong
khu chung cư. Mọi xếp sắp tuần tự đúng theo dự định mà Khánh đã tính toán để tiến
hành theo những gì Khánh đã đặt ra.
Ngồi trong cái xe lăn
được một người đấy, đẩy giúp Khánh ra sân sau viện. Bây giờ, đôi mắt Khánh chẳng
còn nhìn thấy gì trừ ra đôi tai, đôi tai đã giúp Khánh nghe được âm thanh của
tiếng người nói chuyện, tiếng hót của những con chim trong vườn cây, và tiếng động
cơ của xe cộ chạy ở xa ở gần. Có một lúc Khánh nghĩ đến cô gái mù nay đã tìm được
ánh sáng, Khánh đã nói như nói với một người ngồi bên cạnh:
“Anh biết em đã tìm lại
được cuộc sống đúng với ý nghĩa. Một cuộc sống có sinh lực và khả năng để tiến
về tương lai. Anh biết em sẽ có niềm vui, niềm hi vọng, và hạnh phúc cho một tương
lai đầy sáng lạn”.
“Ông đang nói gì vậy.
Ông nói với người yêu của ông đấy có phải không”.
“Không. Tôi không nói
với người yêu của tôi như cô nghĩ, mà, tôi đang nói với một cô gái, cô gái đó tôi
chỉ gặp và biết mặt có một vài lần”.
“Như vậy có nghĩa là ông
đã yêu cô ta rồi có đúng thế không”.
“Nếu tôi không nói rõ,
chắc chắn cô chẳng hiểu tại sao sáng nay, tôi đã nghĩ đến cô ta nhiều tới như
thế. Đấy chỉ vì trên khuôn mặt xinh đẹp của cô ta, đôi mắt của cô ta chính là đôi
mắt của tôi”.
“Đôi mắt của cô ta chính
là đôi mắt của ông”.
“Đúng vậy. Đôi mắt của
cô ta chính là đôi mắt của tôi”.
Không thấy cô y tá hỏi
thêm điều gì nữa, Khánh đã im lặng. Im lặng đúng là lúc tai Khánh chợt nghe thấy
tiếng của một con chim vừa hót, Khánh đã lên tiếng hỏi:
“Cô có thấy con chim đang
hót đó không. Nó là con chim gì mà hót nghe hay quá thể”.
“Ở cuối vườn có những
bụi hoa hồng, tôi thấy con chim đó cánh nó đỏ, mỏ nó vàng, nó đang đứng nhấp nhổm
trên một cành cây ẻo lả đầu vừa gật gù vừa hót. Tôi không thể biết được nó là
chim gì, nhưng con chim nom lạ và đẹp lắm”.
“Vậy là quá đủ để tôi
hình dung ra con chim như cô vừa tả”.
“Để tôi đẩy xe đưa ông
vào. Lúc này mây đen trên bầu trời đang vần vũ kéo đến, gió đã thổi tới và không
mấy chốc, mưa sẽ đổ xuống”.
Khánh không nói gì. Mắt
chẳng thể nhìn thấy nhưng bằng đôi tai, Khánh chỉ còn nghe thấy tiếng bánh xe cọ
sát trên nền nhà khi cô y tá đẩy cái xe Khánh ngồi theo dẫy hành lang.
NGUYỄN TRUNG DŨNG
12.2010
No comments:
Post a Comment