Wednesday, 11 March 2015

Trên Sàn Nhẩy Về Đêm





Truyện ngắn
TRÊN SÀN NHẨY VỀ ĐÊM
Tác giả NGUYỄN TRUNG DŨNG

Lớp dạy nhẩy đã mãn khóa, thạo từng bước đi rồi, Thủy bắt đầu có thói quen tối tối có mặt ở phòng trà. Chẳng phải đến đó để ăn uống, mà, đến đó để nhẩy. Đi với vợ, Bảo không biết nhẩy, nên đi chỉ là nể vợ, còn thích, Bảo đâu có thích thú gì. Và nếu có thích, Bảo cũng chẳng nhẩy được vì cái chân bên trái của Bảo, sau tai nạn đụng xe, xương gẫy phải bó bột, với cái chân thương tật đó, Bảo làm sao còn có khả năng để nhẩy. Vì thế, theo Thủy đến phòng trà, cái lý do đi chung với vợ cho vui, chẳng qua chỉ là vậy.
Mỗi khi ở sàn nhẩy, Thủy đang nhẩy thì ở cái bàn với ly cà phê phin, Bảo nhởn nhơ ngồi uống đợi tới giờ phòng trà đóng cửa, Bảo lại theo vợ và khách của nhà hàng xuống thang lầu, ra xe về nhà. 

Tối nay, hai vợ chồng Bảo theo thường lệ lại đến phòng trà. Ở đó vào giờ này, khách đã khá đông. Người ta ngồi ăn hoặc uống ở những cái bàn kê một nửa căn phòng. Nửa kia để trống là sàn dùng để nhẩy. Một cái bục thấp có phủ tấm vải màu đỏ, trên bục để cặp loa, dàn trống, đàn guitar, là nơi của ban nhạc hòa tấu. Họ sẽ đánh đàn và ca sĩ sẽ hát khi trên sàn nhẩy đã có người ra nhẩy. Lúc đó là lúc buổi khiêu vũ bắt đầu cho buổi tối theo giờ đã ghi trong chương trình. Phần lớn những người bước ra sàn nhẩy đều đã đứng tuổi. Đàn ông và đàn bà ở tuổi cao niên. Họ nom vẫn còn sung sức và trẻ trung nhìn dáng dấp bề ngoài qua cách ăn mặc. Bảo ngồi với ly cà phê phin chẳng có việc gì làm là việc để mắt nhìn hết người này đến người kia, nhìn hết chỗ này đến chỗ khác, gần như tối nào như tối đó, hình ảnh quá quen đó đã thu vào ống kính của đôi mắt chàng. Bây giờ, vẫn tiếng trống, tiếng kèn và tiếng đàn đi theo tiếng hát của cô ca sĩ trẻ đứng trên bục gỗ, những cặp đàn ông đàn bà lần lượt kéo nhau ra sàn. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn mầu gắn trên trần, thân thể họ ngả nghiêng đưa qua đưa lại chao đảo theo những bước chân bước lui bước tới. Họ tiến về phía trước hay lùi về phía sau nhịp nhàng uyển chuyển như những cành liễu ẻo lả trước cơn gió mùa Thu hiu hiu thổi. Chẳng mất công cố để nhìn thấy vợ trong đám đông người, Bảo vẫn dễ dàng nhận ra cái áo màu tím hoa cà của Thuỷ mặc ở bên trái của sàn nhẩy. Thủy nhẩy cặp với một ông mặc bộ “complet” màu xám, cổ đeo “cà vạt” màu đỏ, tóc không biết có nhuộm hay không nhưng màu tóc nhìn còn đen, tuổi không trẻ cũng chẳng già. Họ nhẩy rất điệu nghệ với hai bàn tay nắm nhau đưa lên, với hai thân thề đùa qua đùa lại nom thật nhịp nhàng uyển chuyển. Ngồi nhìn, Bảo thấy vợ nhẩy mỗi lúc mỗi điêu luyện và bỏ xa những ngày trước đây, bước những bước chân vụng về và quờ quạng. Nhạc bỗng chuyển sang điệu khác làm những cặp nhẩy trên sàn nhẩy cùng lúc thay đổi cách di chuyển của những bàn chân. Cũng như các cặp nhẩy khác, Bảo thấy người đàn ông nhẩy cùng Thủy đưa cánh tay ra đỡ lưng của Thủy, trong lúc Thủy ngửa người giống như lúc bơi ở hồ bơi, được người dậy bơi đỡ dưới lưng cho thân thể bập bềnh trên nước. Rồi sau đó, cùng lúc mọi người lại trở về tư thế cũ, đứng với thân thể người này dính sát vào người kia, cà cọ thân xác. Bảo nhận thấy mặt Thủy đờ đẫn ngây dại chẳng khác gì những lần ở trong phòng ngủ, cũng khuôn mặt đó, Thủy bị kích thích bởi cơn dục tình. Không biết Bảo có ngộ nhận đưa đến nhận thức sai lầm đấy là sự thực, điều đó chính Bảo cũng không thể minh xác một cách chắc chính xác.


Đã gần đến nửa đêm. Tới giờ phòng trà đã đóng cửa, thì, nhạc ngưng, khách ra về. Ngồi trong xe, trên đường phố về khuya, Thủy bỗng nói:
“Tối nay nhẩy cặp với ông luật sư này thật quá đã. Ông nhẩy điệu nghệ hết chỗ chê”.
“Sao em biết ông ta là luật sư”.
“Thì ông ấy nói”.
“Không biết luật sư nào vậy. Em không hỏi ông tên à”.
“Hỏi làm gì. Nếu người ta muốn cho mình biết tên, tự người ta phải giới thiệu tên của họ chứ”.
Bảo ngồi im không hỏi gì nữa. Xe vẫn bon bon chạy. Độ dài của con đường đã được rút ngắn. Đầu cái ngã tư ở cuối con lộ, Bảo đã thấy ngôi nhà của mình. Đêm đã khuya, Bảo nằm vẫn không yên giấc. Đầu óc cứ nghĩ đến chuyện ở sàn nhẩy, hình ảnh Thúy ngửa người trên cánh tay của gã đàn ông xa lạ, Bảo lại thấy vừa khó chịu vừa bực mình. Nằm bên Bảo, vợ Bảo vẫn ngủ yên giấc. Mệt mỏi thể xác sau những giờ nhẩy ở sàn nhẩy nơi vũ trường, Bảo biết vợ chẳng hề quan tâm đến chuyện chồng của mình tâm trí đang bị rày vò. Phải mãi đến gần sáng, Bảo mới lấy lại được trạng thái bình thường, cố dỗ giấc ngủ để giấc ngủ làm quên đi những bực bội hành hạ tinh thần.
Phải cố gắng chịu đựng hết sức, sau nhiều buổi tối ngồi ở vũ trường, nhìn lên sàn nhẩy, Bảo cắn răng khi vẫn thấy cái cảnh gã đàn ông ôm cứng vợ mình, đỡ vợ mình ngã trên cánh tay đặt ở dưới lưng, đứng dính sát thân thể gã với thân thể vợ cà sát, máu nóng của Bảo đã dội ngược lên đầu. Trải qua những buổi tối và những đêm Bảo bị hành hạ như thế, chịu hết nổi, một buổi sáng ngồi ăn có mặt vợ, Bảo đã cố gắng giữ bình tĩnh, lời nói cố gắng ôn tồn, Bảo từ tốn nói:
“Từ nay trở đi, anh không theo em đến vũ trường nữa”.
“Ủa. Sao lại vậy”.
“Còn sao gì nữa. Đến đó để anh ngồi nhìn em nghiêng ngả ưỡn ngửa trong vòng tay của cái gã khốn kiếp đó được sao. Anh ngứa mắt chịu hết nổi rồi”.
“Ngứa mắt. Có gì phải ngứa mắt. Nhẩy thì phải để người ta ôm eo, bá vai, cọ xát mới nhẩy được chứ. Chỉ có thế thôi mà anh tức anh ghen được à. Bây giờ ra sàn nhẩy, nhẩy cặp, không nhẩy cặp với đàn ông thì nhẩy với khỉ à”.
“Nhẩy với khỉ còn hơn nhẩy với mấy thằng đàn ông nham nhở và lợi dụng. Một người đàn bà đứng đắn chẳng bao giờ lại để cho một gã đàn ông không quen biết đưa tay dưới lưng, bụng nó dính sát bụng mình, ngực nó cố tình đụng chạm, thế mà gọi là khiêu vũ được hả. Khiêu vũ hay khiêu dâm”.
“Anh có nóng thì nóng cũng vừa vừa phải phải. Vừa nóng vừa ghen, anh ăn nói đã mất khôn. Thôi đủ rồi. Em không muốn nghe nữa”.
Bên Thúy đã thu quân treo miễn chiến bài, Bảo không còn thấy bóng đối phương đâu nữa thì cũng ngưng phát pháo. Rạn nứt tình cảm giữa Thúy và Bảo cứ tưởng từ từ rồi cũng hàn gắn được. Nhưng chuyện đó lại không dễ dàng như vậy. Bảo quyết liệt không đi theo Thúy đến vũ trường mỗi tối, thì, Thúy vẫn tự một mình lái xe đến vũ trường trước cũng như sau không có gì thay đổi cả. Bảo cho đó là sự thách thức và chống đối nên cảm thấy bị tổn thương đến vai trò và địa vị làm chồng của mình . Và Bảo tự bảo vệ cái quyền đó bằng cách thề sẽ không để cho vợ tự tung tự tác làm theo như ý mình. Cũng như mọi tối của một ngày, biết là sắp tời giờ Thúy ra xe để  đến vũ trường, Bảo




đã nói với vợ:
“Lát nữa, anh Dực sẽ đến đón anh ra quán uống cà phê. Trường hợp em cần gọi anh mà không thấy anh nghe điện thoại, em gọi  phone tay cho anh”.
“Chắc cũng chẳng có gì cần để phải gọi”.
“Biết đâu đấy. Ngộ xe hư, xe xẹp lốp thì sao”.
Không thấy Thúy lên tiếng trả lời, Bảo cũng lặng im. Đúng lúc, chuông điện thoại reo. Bảo nhấc ống nghe.
“Hello. Ai đó. Dực hả”.
“Ừ. Dực đây. Đang trên đường tới nhà cậu”.
“Cám ơn bạn”.
Bảo nói chưa hết, có lẽ vì đang lái xe, Dực đã cúp điện thoại. Từ trên lầu bước xuống cầu thang, với bộ quần áo mặc trên người, Bảo nhìn thấy vợ bữa nay đi nhẩy mà ăn diện sang quá. Đi nhẩy mà cứ y như đi dự dạ tiệc. Biết Bảo đang ngó mình, Thúy lờ đi như không thấy. Cửa xuống nhà xe đã mở, cửa nhà xe ra đường cũng tự chuyển động từ từ kéo lên, chỉ một lát sau, nhìn qua kính cửa ngó ra con lộ, Bảo đã thấy cái xe của vợ đang lùi từ từ, rồi chạy về ngả phía trước. Chỉ sau đó ít phút, Bảo đã nhận ra người ngồi trong cái xe vừa đỗ trước cửa nhà đang bước ra, nhìn đã biết ngay là Dực. Với cái đầu bạc trắng, râu được cắt tỉa gọn gàng, áo quần mặc nom rất bụi đời, nhận xét bề ngoài cứ tưởng Dực là dân bê bối, nhưng thực ra, cái con người đó có một thời chỉ huy cả một sư đoàn, oai phong lẫm liệt không khác gì ông Trương Phi đứng ở cầu Trường Bản, múa kích, hét ra lửa. Chẳng để bạn phải mất công chờ, Bảo đã bước ra khỏi nhà sau khi khóa cửa, rồi tiến về cái xe nơi Dực đỗ.
Ngồi trong xe, Dực lên tiếng hỏi:
“Ông mời tôi đi uống cà phê, ông tính uống ở đâu bây giờ vậy”.
Bảo chưa kịp trả lời, Dực lại nói tiếp:
“Đến quán Vỉa Hè hay quán Quyên, ông muốn cái nào hỉ”.
“Không Vỉa hè cũng chẳng Quyên. Bây giờ tôi là người chỉ huy, tôi chỉ đi đâu ông đi đó”.
“Vậy tôi là tài xế, ông muốn đi đâu cũng được miễn là tiền xăng, tiền cuốc xe ông phải trả xòng phẳng”.
“Đừng lo. Tôi sẽ trả xòng phẳng mà còn típ cho ông nữa là đằng khác”.
Xe không đặt máy chỉ đường, Bảo thay cái máy đó để lúc nói Dực quẹo phải, lúc nói Dực quẹo trái, lúc đường thẳng cứ đi thẳng, đến một con phố thì ngón tay Bảo chỉ về cái “parking” công cộng, nói Dực chạy xe vào đó rồi tìm chỗ đỗ.
“Uống cà phê Starbucks ở cái quán này không đến nỗi tệ. Mình biết cậu chỉ thích ngồi ở mấy cái quán đèn mờ có các em chiêu đãi ăn mặc hở hang để rửa mắt có đúng thế không”.
“Đúng”.
Dực xác nhận. Bảo cười trừ. Sau khi ra quày lấy hai ly cà phê đem ra bàn, Bảo vừa ngồi uống cà phê vừa đưa mắt nhìn qua kính cửa ra bên ngoài. Đối diện với quán cà phê là vũ trường, nơi mà Bảo đã đến cùng vợ vào mỗi buổi tối khi hai vợ chồng còn hòa thuận. Từ khi bất đồng ý kiến với Thủy, Bảo không còn lai vãng đến đó để ngồi đợi Thủy nhẩy xong rồi cùng về.



“Cà phê đậm đà uống thấy ngon thật. Nhưng uống mà chẳng có gì đáp ứng cho mắt, uống thế này chán bỏ mẹ”.
“I know”.
Bảo sổ bằng tiếng Mỹ.
“Mình hỏi thật. Bữa nay cậu mời mình đi uống cà phê, mình thấy cậu mời mình đi uống cà phê chỉ là một cái cớ, còn bên cạnh đó, hình như có chuyện gì thì phải”.
Bảo không chối:
“Trực giác của cậu bén nhạy thật. Đúng. Đây chỉ là cái cớ để nhờ cậu đưa mình đến cái quán này, còn cái chính là mình muốn xem cái con mụ vợ mình nó đi nhẩy, nhẩy với thằng khốn nạn nào”.
“Cậu ghen hả. Bà ấy đi nhẩy, nhẩy với ai thì kệ xác bà ấy có gì mà cậu phải để lòng ghen với hận”.
“Nói như cậu thì nói để làm gì. Vợ mình mà đi nhẩy với thứ đàn ông chỉ mê xác thịt, biết lại không cản thì có ngày nó cho mọc xừng trên đầu. Mấy lần mình ngồi coi con vợ đú đởn với cái thằng đàn ông nhẩy cặp cùng bả, nó lợi dụng cứ ôm dính sát vào người, cà cọ da thịt, mình ngứa mắt đến phát điên lên. Khiêu vũ theo cách của người Pháp, nó là nghệ thuật thuần túy. Còn khiêu vũ kiểu thời thượng ở mấy phòng nhẩy này, phải nói thẳng là khiêu dâm chứ khiêu vũ cái nỗi gì”.
“Hãy coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng, còn không, cậu không sống nổi để với tay tới tuổi già”.
“Lý thuyết như cậu, cậu nói mà làm có được không. Thôi. Cậu ngồi đây uống cà phê đợi mình, mình thử qua xem chúng nó làm gì ở bên đó. Nếu mình thấy hai đứa cứ ôm nhau ghì siết như hai con nhái dính nhau, mình sẽ táng cho thằng đó vài táng vào mặt cho bõ ghét”.
“Cậu đừng có nóng. Ở Mỹ chứ không như ở Việt Nam, cậu mà hành hung người ta, cảnh sát sẽ đến và tra còng vào tay cậu”.
“Ra tòa rồi vào tù hả. Tay này cùi rồi nên cóc có sợ”.
Nói rồi, Bảo mở cửa ra khỏi quán, tông qua đường. Dực muốn đi theo bạn để có gì cần can thiệp, Dực sẽ can thiệp hơn là để câu chuyện xẩy ra, Bảo hành động dại dột như thế chắc chắn sẽ vào tù ngồi. Chưa kịp bước qua đường, Dực đã thấy bạn hớt hơ hớt hải chạy ra, vừa thấy mặt Dực đã líu lưỡi nói:
“Con vợ mình và cái thằng đó vừa rời khỏi nhà hàng, mình thấy hai đứa chúng nó xuống bãi đậu xe. Như vậy là chúng nó rủ nhau đi đâu”.
“Ai mà biết được anh chị rủ nhau đi đâu”.
“Cậu lấy xe bám theo xe tụi nó giúp mình có được không”.
“Bám thì bám. Nhưng biết xe nào mà bám bây giờ hả bạn”.
“Ông cứ ở đó nói tới nói lui thì chậm mẹ nó rồi còn gì”.
Đúng là chậm khi Bảo và Dực xuống bãi đậu xe, Bảo và Dực chẳng còn nhận ra cái xe nào là xe của vợ Bảo nằm trong “parking lot” cả. Bóng tối thì tối ở trong bãi đậu, nhìn dẫy xe thấy cái nào cái đó giống nhau, nhìn số xe cũng khó phân biệt và nhận dạng. Thất vọng, Bảo quay sang Dực thở dài:
“Về thôi ông ạ. Có thể vì một lý do gì đó, con vợ mình đã nhờ cái thằng đó nó đưa về nhà. Còn về nhà mà không thấy nó, chẳng lẽ nó đến nhà cái thằng khốn kiếp đó hay sao. Biết đâu …”.


Bảo chua sót trong giọng nói.

2.

“Tối hôm qua, em và cái thằng đó đưa nhau đi đâu”.
“Hỏi gì kỳ vậy. Ở chỗ nhẩy chứ còn đi đâu nữa”.
“Không phải. Em và gã đó không có mặt ở chỗ nhẩy”.
“Anh đừng có nói nhảm. Đi nhẩy mà không có ở sàn nhẩy thì đi đâu bây giờ. Hỏi cái gì mà từ nẫy đến giờ hỏi lạ vậy”.
“Đừng có chối. Đích thân anh đã đến phòng trà, nhìn đủ mặt người đang nhẩy trên sàn nhẩy, anh không thấy em và gã đàn ông thường nhẩy với em. Khi xuống thang lầu ra tới cửa, mắt anh thấy em đi cùng với gã ra bãi đậu xe. Đúng không”.
“Đúng. Bánh xe xẹp, em phải nhờ anh ấy xuống bãi thay bánh”.
“Thay bánh. Thay bánh mà anh và anh Dực đến bãi đậu xe, em và gã trốn đâu sao lại không thấy. Đừng chối quanh chối quẩn nữa. Rõ ràng gã và em đưa nhau về nhà để làm tình có đúng thế không”.
Không thấy Thủy chống chế để tự bào chữa cho mình, thì Bảo cho là đủ rồi, không cần nói nữa. Thẩy tờ giấy đang cầm ở tay, tờ giấy trượt trên mặt bàn, Bảo lạnh lùng đanh giọng bảo:
“Suốt đêm qua, anh đã nằm suy nghĩ chín chắn cả rồi, vợ chồng sống mà như thế này, mình không thể tiếp tục sống mãi như vậy được. Đây là tờ li dị, anh dứt khoát muốn ly dị để sớm cắt đứt cái khổ đau hệ lụy và cũng là cách giải quyết tốt nhất để giúp em được tự do, được thoải mái  chọn lựa theo sở thích riêng tư của mình. Chuyện đặng chẳng đừng không ai muốn cả, nhưng muốn hay không, mình phải cắn răng chấp nhận hơn là cứ ngậm đắng nuốt cay mà đeo đuổi kéo dài ra mãi”.
Khi chưa biết phản ứng như thế nào, Thủy ngồi im như thóc. Sự chịu đựng đã đến mức không còn kiềm hãm được nữa, tự ái của con người đã phá vỡ rào cản như nước tràn bờ, sắc mặt Thủy bỗng biến đổi một cách khác thường:
“Không phải là em mà chính là anh đã dồn em vào tới chân tường. Ly dị. Ly dị thì cứ việc ly dị. Sợ gì mà không ly dị ”.
Nói cứng cho hả cơn tức, nhưng nói rồi, Thủy ngồi rũ người như tầu lá chuối, mặt gục xuống bàn, khóc nức nở. Cửa sổ của căn phòng không đóng, lọt vào tiếng của một con chim bỗng cất lên hót. Tiếng hót trong trẻo vui tai, nhưng tiếng hót đó chẳng làm ai buồn để ý đến cả. Nó hót réo rắt một lúc rồi không thấy hót nữa. Trả lại vườn cây sau nhà cái tĩnh mịch như cái tĩnh mịch ở trong nhà. Bảo đã lên lầu. Còn Thủy, Thủy vẫn ngồi ở cái ghế nơi bàn ăn, không còn khóc, nhưng nom thật buồn.

3.

Ở cuối căn phòng có một cái bàn gỗ, mặt bàn tròn và nhỏ. Đó là chỗ dành riêng cho một người khách ngồi. Mỗi tối, khi trời đất đã nhá nhem, vào lúc phòng trà tới giờ mở cửa, thì ở cái bàn đó đã có một người đàn ông ngồi. Ông ta thường đến sớm và cái bàn đó, sở hữu chủ gần như là thường xuyên là của ông.




Với cái mũ dạ hình dạng giống mũ những người Tầu thường đội, dù đã bước vào trong phòng, dù cả lúc đang ngồi ở cái bàn trong  góc, ông ta vẫn để nguyên nó trên đầu. Cái mũ phần trước bè ra như cái lưỡi trai, hay như một cái mái hiên trước của ngôi nhà, phần chìa ra thấp xuống, nó đã che mất vầng trán của ông.
Ngồi với mắt nhìn chăm chú về nơi sàn nhẩy, ông theo rõi gần như điểm mặt từng người, như điểm quân số trong một trại binh.
Chỉ khi nào cái bàn tròn ở góc căn phòng bỏ trống không có ai ngồi, đó là lúc người đàn ông đã đứng dậy rồi lầm lũi bước xuống trên từng bậc  thang lầu, thì người ta biết ông ta không còn ngồi ở đó nữa. Có mặt ông hay không có mặt, ở sàn nhẩy dưới ánh sáng của những ngọn đèn mầu, trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng kèn của ban nhạc liên tục đánh và thổi, người ta vẫn ôm nhau nhẩy. Chỉ ngưng lại khi đêm đã quá khuya, phòng trà đã đến giờ đóng cửa, thì đường phố lúc đó vắng bóng người, xe cộ thưa thớt chạy, nhìn lên tấm bảng hiệu gắn ở mặt tiền của nhà hàng, chỉ thấy dòng điện quang vẫn còn lập lòe chớp tắt, nhẩy múa.

NGUYỄN TRUNG DŨNG
2011  

     

No comments:

Post a Comment